0
IN ẤN QC
Việc lách trần lãi suất đang tái diễn giống với thời điểm tháng 9/2011 nhưng các nhà băng có vẻ ngang nhiên hơn bởi không còn cảnh ngân hàng giám sát lẫn nhau và tố nhau, mà trái lại các ngân hàng dường như đang bao che cho nhau để cùng "vượt rào". Nghìn lẻ chiêu vượt trần lãi suất Anh Nguyễn Duy Khoa, nhà đầu tư lớn trên sàn chứng khoán IVS, cho biết, khi thị trường chứng khoán lình xình thời gian qua, anh đã rút bớt tiền khỏi chứng khoán để gửi ngân hàng. Trong lúc đang phân vân chọn nhà băng nào để gửi thì anh đã nhận được một số cuộc gọi từ các nhân viên ngân hàng chào mời anh gửi tiền với lãi suất khá hấp dẫn. Sau khi xem xét, anh Khoa quyết định chọn ngân hàng V. Với số tiền gửi hơn 500 triệu đồng, kỳ hạn 1 tháng, trên sổ tiết kiệm lãi suất ghi là 8,9%/năm, song lãi suất huy động thực tế lên tới gần 11%/năm. Phần chênh lệch này được trả riêng và không ghi vào số tiết kiệm. Cũng theo anh Khoa, việc ngân hàng vượt trần lãi suất huy động diễn ra thường xuyên. Trước đó gần 2 tháng anh có gửi một khoản tiền nhỏ ở một ngân hàng khác, lãi suất thực nhận cũng lên tới 10,3%/năm, dù thời điểm đó Ngân hàng Nhà nước đã áp trần lãi suất huy động ngắn hạn là 9%/năm. Hiện các ngân hàng có nhiều chiêu để lách trần lãi suất huy động mà nếu chỉ xem sổ sách, giấy tờ thì không thể phát hiện ra, như tặng tiền mặt cho phần chênh lệch lãi suất (số tiền này có thể được tặng ngay hoặc sau khi khách hàng gửi được một vài tháng, tùy vào ngân hàng và kỳ hạn gửi của khách), thẻ cào trúng thưởng, quà tặng… Một ngân hàng có trụ sở ở quận 1 TP HCM đang triển khai chương trình khuyến mãi Thẻ cào may mắn dành cho khách hàng cá nhân tham gia gửi tiết kiệm bằng VND hoặc USD. Theo đó, khi tham gia gửi tiết kiệm trong thời gian từ 5/7 đến 2/10, với các kỳ hạn từ 1 đến 24 tháng và mức gửi từ 30 triệu đồng hoặc từ 1.500 USD trở lên, khách hàng sẽ được nhận phiếu cào dự thưởng với tổng giá trị giải thưởng lên đến 4 tỷ đồng. Trong đó, 1 giải nhất trị giá 100 triệu đồng, 10 giải nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng và 3.000 giải ba mỗi giải trị giá 100.000 đồng và hơn 100.000 giải thưởng giá trị khác. Một khách hàng có thể trúng nhiều giải và đặc biệt khách hàng sẽ được nhận tiền mặt ngay khi cào trúng thưởng.

Từ ngày 16/7 đến hết ngày 10/10, Ngân hàng SeABank tiếp tục gia hạn chương tiết kiệm dự thưởng “Sinh nhật SeABank, cào nhanh trúng lớn” đợt 2 với tổng giá trị giải thưởng lên tới hơn 15 tỷ đồng. Chương trình bao gồm 2 hình thức cào trúng thưởng ngay và quay số may mắn cuối đợt. Theo đó, với mỗi 50 triệu đồng tiền gửi (hoặc ngoại tệ tương đương) tại SeABank với kỳ hạn 1 tháng, khách hàng sẽ được nhận một thẻ cào may mắn với 100% cơ hội trúng giải. Ngoài ra, tất cả khách hàng gửi tiết kiệm với số tiền gửi tối thiểu 10 triệu đồng và kỳ hạn tối thiểu 1 tháng sẽ nhận được một mã số dự thưởng tham gia vào đợt quay số trúng thưởng cuối chương trình. Các giải thưởng bao gồm sổ tiết kiệm, thẻ Visa của SeABank có giá trị từ 1 triệu tới 100 triệu đồng. Theo Tiến sĩ Lê Trọng Nhi, chuyên gia tài chính ngân hàng cấp cao, hiện các nhà băng còn có một phương thức vượt rào trần lãi suất huy động tinh vi hơn, đó là đáo hạn kép. Chẳng hạn ngân hàng tính lãi suất một ngày, đến lúc đáo hạn thành lãi kép, cộng lại sẽ vượt trần 9%/năm. Bản chất của việc đáo hạn kép cũng như các chương trình khuyến mãi trên vẫn là một cách lách luật, đẩy lãi suất huy động vượt trần. Bởi để huy động được từng đó tiền, ngoài việc phải trả lãi suất theo quy định cho khách hàng, ngân hàng còn mất thêm một khoản tiền khá lớn để tặng thưởng cho các chương trình khuyến mãi, như vậy có khác gì tăng thêm lãi suất huy động. Có khác chăng là nếu không có trần lãi suất huy động, các ngân hàng có thể để mức lãi suất cao, và chi phí cho lãi suất này được ghi trong sổ sách, chứng từ. Còn khi bị áp trần, các ngân hàng lách luật như tặng luôn lãi suất chênh lệch bằng tiền mặt cho khách, khuyến mãi… thì khoản chi phí vượt trần này, các nhà băng có rất nhiều cách hợp thức hóa, như cho vào kinh phí quảng cáo, thi đua tuyên truyền... Ngân hàng không còn "tố" nhau Cũng theo tiến sĩ Nhi, việc lách trần lãi suất đang tái diễn giống với thời điểm tháng 9/2011. Tuy nhiên, hiện các nhà băng có vẻ không sợ sệt như trước đó mà còn ngang nhiên hơn. Bởi thời điểm cuối năm 2011, không ít nhà băng bị Ngân hàng Nhà nước nhắc nhở, sếp ngân hàng bị xuống chức, đuổi việc, một phần nguyên nhân là do các ngân hàng giám sát lẫn nhau và tố nhau. Còn hiện nay, các ngân hàng không những không tố nhau mà dường như còn bao che cho nhau để cùng vượt rào lãi suất. Bởi thanh khoản của ngân hàng vẫn rất khó khăn và sức ép duy trì nguồn vốn cũ, đồng thời phải tăng vốn huy động lên khiến các ngân hàng phải tìm mọi cách để thu hút khách gửi tiền. Tuy nhiên, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần lớn cho rằng, hầu hết nhà băng hiện huy động vốn cao bất thường đều là những ngân hàng nhỏ, nằm trong “danh sách đen” của Ngân hàng Nhà nước, thanh khoản yếu. Khi các nhà băng này tăng nóng lãi suất huy động bằng nhiều cách thì buộc một số ngân hàng lớn cũng phải tăng theo nhằm giữ chân khách. “Theo tôi, cơ quan quản lý nên mạnh dạn cho tự do hóa lãi suất, nhưng đi cùng điều kiện là chấp nhận cho phá sản ngân hàng yếu kém. Khi đó, tình trạng đua tăng lãi suất bằng mọi giá mới không còn đất sống. Còn hiện nay, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố không để nhà băng yếu kém nào phá sản, người dân cứ tìm ngân hàng có lãi suất huy động cao để gửi tiền, lợi cả đôi bên nên tình trạng lãi suất tăng nóng khó kiếm soát được. Phản ứng lại lý lẽ trên, ông Phạm Duy Hưng, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Á nói, tại sao các ngân hàng lớn “vừa được miếng lại vừa được tiếng”, luôn đổ tội cho các ngân hàng nhỏ. Thực tế, các nhà băng nhỏ không đủ sức để trở thành “tội đồ” của cuộc đua vượt rào lãi suất. Bởi tại Việt Nam, 12 ngân hàng đứng đầu hiện đã chiếm hơn 80% thị phần khách hàng, do vậy những ngân hàng nhỏ còn lại không thể là tác nhân chính làm tăng lãi suất thị trường.
IN ẤN QCQuảng Cáo Cuối

Đăng nhận xét

 
Top