Trong 9 tội được đề xuất bỏ án tử hình, tội hiếp dâm trẻ em đã gây rất nhiều tranh cãi và vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ của nhiều chuyên gia nghiên cứu, đại diện cơ quan tố tụng…
Trong hai ngày 12 và 13/12, Bộ Tư pháp và Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã tổ chức hội thảo nghiên cứu hoàn thiện quy định Bộ luật hình sư về hệ thống chế tài và tập trung thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình.
Phó Vụ trưởng Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Hoàn cho biết Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định 22/272 điều về các tội phạm có quy định khung hình phạt cao nhất là tử hình (khoảng 8%). Đây là hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống chế tài hình sự Việt Nam, chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, cần thiết duy trì xuất phát từ tình hình xã hội và yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.
Trong nhiều thập niên, thực tiễn áp dụng đúng đắn hình phạt này đã được dư luận quần chúng đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, án tử hình tước đi quyền sống con người, tước bỏ cơ hội hối cải, phục thiện, tái hòa nhập cộng đồng của người bị kết án cũng như loại trừ khả năng khắc phục sai lầm có thể xảy ra trên thực tế. Vì vậy, cần từng bước giảm dần, hạn chế thấp nhất áp dụng hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự, nhân đạo hóa các biện pháp chế tài phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và đạo lý dân tộc.
Ông Hoàng Anh Tuyên (VKSND Tối cao) báo cáo kết quả của nhóm nghiên cứu về hệ thống chế tài hình sự Việt Nam. Theo đó, hình phạt tử hình chỉ nên áp dụng đối với một số trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc ba nhóm tội: Các tội xâm hại hoặc đe dọa xâm hại sự tồn vong của nhà nước, của chế độ; các tội xâm hại tính mạng con người, đe dọa nghiêm trọng sự phát triển của nòi giống; các tội xâm hại an ninh và hòa bình thế giới. Đồng thời, chỉ nên áp dụng hình phạt tử hình đối với một số trường hợp phạm tội có tổ chức với quy mô lớn, có sự câu kết chặt chẽ giữa các băng nhóm tội phạm, gây thiệt hại cho nhiều người hoặc trường hợp phạm tội đơn lẻ nhưng hành vi phạm tội mang tính bạo lực, dã man, tàn bạo gây bất bình trong nhân dân. Mặt khác, hình phạt tử hình cũng chỉ áp dụng đối với những kẻ chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm hoặc những kẻ phạm tội đến cùng.
Từ đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất xem xét hướng loại bỏ hình phạt tử hình đối với 9 tội danh: Hiếp dâm trẻ em; Cướp tài sản; Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy; Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Tham ô tài sản và Nhận hối lộ; Chống mệnh lệnh và Đầu hàng địch.
Như vậy, theo đề xuất này, Bộ luật Hình sự sửa đổi sẽ chỉ còn giữ lại 13 tội danh còn duy trì hình phạt tử hình.
Hầu hết đại biểu tham gia hội nghị đều ủng hộ chủ trương thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình. Tuy nhiên, với tội Jiếp dâm trẻ em, đề xuất của nhóm nghiên cứu đã gây rất nhiều tranh cãi.
Trước đó, lý giải về đề xuất bỏ án tử ở tội này, ông Hoàng Anh Tuyên nói mục đích chính của kẻ phạm tội là thực hiện hành vi giao cấu, xâm hại tình dục trẻ em chứ không mong muốn làm nạn nhân chết. Việc nạn nhân chết nằm ngoài ý định của kẻ phạm tội. Trong khi đó, chính sách xử lý hình sự với những tội xâm phạm sức khỏe nghiêm trọng nhất cũng chỉ quy định khung hình phạt cao nhất là tù chung thân, thậm chí trong cả trường hợp dẫn đến chết nhiều người, trẻ em. Vì vậy, bỏ hình phạt tử hình với tội hiếp dâm trẻ em thể hiện sự nhất quán trong chính sách xử lý đối với các tội xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người, phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà vẫn đảm bảo yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.
Còn trong trường hợp hiếp dâm trẻ em mà cố ý làm nạn nhân chết hoặc vừa có hành vi hiếp dâm vừa có hành vi giết người thì kẻ phạm tội sẽ bị truy cứu hình sự về hai tội giết người, hiếp dâm trẻ em. Khi đó vẫn có thể áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình (ở tội giết người).
Thượng tá Trần Quang Đức (Phó Phòng pháp chế Công an TP Hải Phòng) ủng hộ đề xuất trên và nói: “Với mục tiêu ngăn ngừa tái phạm, răn đe tội phạm chung thì không nhất thiết phải tước quyền sống của kẻ phạm tội mà có thể thay thế bằng biện pháp khác, cũng có thể tiêm thuốc làm mất khả năng phạm tội”.
Tuy nhiên, ông Lê Trung Kiên (Học viện Cảnh sát) phản đối ngay: “Không thể bỏ hình phạt tử hình đối với tội hiếp dâm trẻ em! Cứ hỏi bất kỳ bậc cha mẹ nào thì sẽ rõ, tuy không làm chết người nhưng hậu quả tổn thương thể chất, tinh thần cho trẻ em quá lớn, có khi ảnh hưởng suốt cuộc đời”.
Thẩm phán Lê Xuân Sơn (TAND tỉnh Lạng Sơn) bức xúc: “Ở địa phương chúng tôi từng có những vụ hiếp dâm trẻ em rất tàn bạo, không còn tính người, nếu bỏ tử hình tội phạm này thì không thể thuyết phục được lòng dân”.
Nhiều ý kiến khác cũng bày tỏ băn khoăn bởi trẻ em là đối tượng cần phải được bảo vệ đặc biệt. Mặt khác, để răn đe, phòng ngừa tội phạm thì việc giữ án tử ở tội này là cần thiết.
Theo Pháp luật TP HCM
Đăng nhận xét