Chiều 13/12, với cáo buộc tham ô 10 tỷ đồng, cựu cục trưởng Hàng Hải Dương Chí Dũng và cựu tổng giám đốc Vinalines Mai Văn Phúc bị VKSND Hà Nội đề nghị mức án tử hình.
Cùng tội tham ô, bị cáo Trần Hữu Chiều (nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines) bị đề nghị 9-10 năm tù, bị cáo Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) 19-20 năm tù.
Theo cáo buộc, trong vụ chia chác hơn 28 tỷ đồng "lại quả" từ đối tác nước ngoài, ông Dũng và Phúc mỗi người nhận 10 tỷ đồng. Bị cáo Chiều nhận hơn 330 triệu đồng, và Sơn đút túi hơn 7 tỷ đồng.
Ở nhóm tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế trong việc mua ụ nổi 83M gây thiệt hại cho nhà nước hơn 366 tỷ đồng, ông Dũng và Phúc mỗi người bị đề nghị 20 năm tù, bị cáo Chiều 13-14 năm, Sơn 9-10 năm. 6 người còn lại từ 6 đến 10 năm tù, trong số này có kế toán trưởng của Vinalines là Bùi Thị Bích Loan và 3 cán bộ hải quan.
Theo cơ quan công tố, ông Dũng và Phúc không ăn năn, hối cải nên phải tăng nặng hình phạt. Tổng hợp hình phạt đề nghị với mỗi người là tử hình.
Ông Dương Chí Dũng trước vành móng ngựa. Ảnh: Việt Dũng. |
Theo cáo buộc của VKS, mặc dù chưa được Chính phủ phê duyệt và Bộ Giao thông Vận tải chưa bổ sung dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, nhưng HĐQT Vinalines vẫn ra nghị quyết giao cho Tổng giám đốc Mai Văn Phúc triển khai xây dựng. Ngày 3/5/2007, ông Phúc ký quyết định thành lập Ban quản lý dự án do Trần Hữu Chiều làm trưởng ban, Sơn làm Phó trưởng ban.
Theo quy định dự án có vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của Chính phủ nhưng ông Dũng vẫn ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nhà máy với tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng, trong đó có hạng mục lắp đặt một ụ nổi sức nâng 15.500 đến 27.000 tấn.
Trong thời gian Vinalines triển khai Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, từ đầu năm 2007 đến hết năm 2008, Vinalines tổ chức khảo sát, thương thảo, quyết định phương án mua, ký hợp đồng mua ụ nổi 83M với Công ty AP (Singapore).
Quá trình tổ chức chào hàng cạnh tranh, lựa chọn nhà thầu cung cấp ụ nổi, Vinalines không có thư thông báo mời thầu nhưng có 2 công ty gửi thư chào bán. Cụ thể, Công ty AP chào bán ụ nổi 220 sản xuất năm 1969 tại Thụy Điển và ụ nổi Dock No 83M sản xuất năm 1965 tại Nhật Bản. Công ty môi giới Mega Marine LLC/USA chào bán ụ nổi 194M sản xuất năm 1988 tại Nam Tư.
Vinalines không tổ chức khảo sát ụ nổi 194M mà chỉ khảo sát ụ nổi 220 và 83M do Công ty AP chào bán.
Đoàn của Vinalines khi đến Nga khảo sát đều biết chủ sở hữu 83M là Công ty Nakhodka, AP chỉ là công ty môi giới. Ụ nổi đã bị hư hỏng nhiều, không còn hoạt động và đã bị Đăng kiểm Nga dừng phân cấp từ năm 2006. Công ty Nakhodka đưa ra giá để đàm phán dưới 5 triệu USD.
Khi nghe đoàn khảo sát báo cáo lại, tổng giám đốc Phúc chỉ đạo: "Thôi thì các ông cứ về hoàn thiện báo cáo bằng văn bản để mua được ụ nổi 83M này qua Công ty AP". Chủ tịch HĐQT Dương Chí Dũng cũng chỉ đạo tương tự. Cuối cùng, một bản báo cáo khảo sát tình trạng kỹ thuật của ụ nổi 83M được lập ra nhưng lờ đi thông tin Nakhodka chào bán dưới 5 triệu USD; bỏ qua chi tiết hỏng hóc, không hoạt động được để nhằm mục đích mua được ụ nổi theo tinh thần của sếp Dũng và Phúc. Từ 17/3/2008 đến 13/6/2008, Vinalines đã chuyển đủ 9 triệu USD cho AP để mua ụ nổi.
Khi thông quan tại cảng Vân Phong (Khánh Hòa), kiểm tra thực tế thấy ụ nổi đã hư hỏng, cũ nát, nhiều thiết bị không hoạt động được, ụ bốc mùi hôi thối... không đủ điều kiện nhập khẩu nhưng một số cán bộ hải quan không ghi vào biên bản mà ghi theo kê khai của Vinalines.
Ngày 26/9, cơ quan giám định xác định, việc ông Dũng và 9 đồng phạm cố ý làm trái trong việc lập, phê duyệt dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, thanh toán mua ụ nổi đã khiến nhà nước phải chi hơn 525 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí hợp lý, tổng tiền gây thiệt hại được xác định là trên 366 tỷ đồng. Theo cáo trạng, tiền thuê vận chuyển ụ nổi cũ nát 43 năm tuổi về Việt Nam bằng tàu nâng nặng nhiều hơn gấp đôi chi phí mua.
Cũng theo quy kết của VKSND Hà Nội, từ thương vụ mua ụ nổi trên, các bị cáo Dũng, Phúc, Sơn, Chiều đã tham ô hơn 28 tỷ đồng là tiền “lại quả” từ công ty AP. Mặc dù tại toà, ông Dũng, Phúc phản bác lại lời khai của Sơn về việc chia mỗi người 10 tỷ đồng, nhưng cơ quan công tố dựa vào tài liệu thu thập và lời khai nhân chứng nên có cơ sở để khẳng định việc chác là có thật.
Mối quan hệ đặc biệt giữa ông Dũng và ông Goh Hoon Seow (Giám đốc Công ty AP). Theo cáo trạng, năm 2000 khi là Giám đốc Công ty Nạo vét và xây dựng đường thủy I, ông Dũng đã quen ông Goh Hoon Seow thông qua giao dịch mua bán tàu cuốc. Năm 2003 khi hai con gái du học ở Singapore, ông Dũng nhờ ông Goh Hoon Seow giới thiệu tìm thuê nhà, nhờ thăm kiểm tra việc sinh hoạt. Vợ chồng ông Dũng khi sang thăm con đã 2 lần đến chơi nhà ông Goh Hoon Seow. Ngược lại, ông Goh Hoon Seow cũng đến nhà bố mẹ ông Dũng ở Hải Phòng. |
Đăng nhận xét