Trong vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, nếu điều tra viên cố tình ép cung, mớm cung, nhục hình thì phải xử lý về mặt hình sự.
- Từng là Viện trưởng Viện KSND tỉnh Lâm Đồng, ông có suy nghĩ gì về vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn?
- Các cơ quan nội chính đã hết sức dũng cảm, dám nhìn thẳng, giải quyết cái sai. Minh oan xong phải bồi thường cho thỏa đáng, sau đó kiểm điểm xử lý trách nhiệm của những người liên quan đến việc này. Các đơn vị liên quan phải đứng ra xin lỗi đoàng hoàng. Anh đã sửa sai thì phải nhận lỗi với người dân và bồi thường thiệt hại về vất chất, tinh thần trong thời gian ngồi tù oan.
- Làm cách nào để khắc phục những sai lầm trong vụ án oan 10 năm của ông Chấn?
- Theo tôi, phải quy trách nhiệm những người trước đây từng tham gia từ việc điều tra, truy tố đến xét xử chứ không phải một ngành. Bây giờ sai thì ngành tòa án phải đứng ra bồi thường, xin lỗi.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: "Các cơ quan nội chính đã hết sức dũng cảm, thấy sai dám nhìn thẳng vào cái sai, giải quyết cái sai". Ảnh: N.Hưng. |
- Là người trong ngành, ông nghĩ gì về thông tin ông Chấn nói bị ép cung, thậm chí nhục hình trong quá trình điều tra?
- Vụ việc này là bất thường và cần phải xác minh làm rõ. Nếu điều tra viên cố tình ép cung, mớm cung, nhục hình để người ta nhận tội thì phải xử lý về mặt hình sự. Với cơ quan khác như công tố, tòa án, do cũng căn cứ vào hồ sơ nên có thể họ nhận thức sai thì tùy theo mức độ xử lý.
Lời khai của ông Chấn thì cơ quan điều tra của Viện kiểm sát tối cao sẽ làm rõ. Nếu có đủ căn cứ hình sự thì phải xử lý hình sự bởi cái sai đã rõ.
- Để việc ép cung không xảy ra, nhiều nước gắn camera ở phòng giam, ông nghĩ sao?
- Để chống bức cung, nhục hình theo tôi có nhiều cách nhưng cơ bản trong luật đã xác định cấm, ai làm sai phải bị xử lý. Đúng ra, những vụ trọng án phải có luật sư tham gia từ đầu để bào chữa cho bị can. Có thể một cá nhân chưa đủ điều kiện để minh oan cho mình nhưng có người khác trợ giúp thì tốt hơn.
- Một số ý kiến phân tích vụ việc này cần theo thủ tục giám đốc thẩm chứ không phải là tái thẩm?
- Tái thẩm là đúng vì có tình tiết mới. Trình tự tái thẩm là phải điều tra, xác minh còn giám đốc chỉ có hủy án để xét xử lại. Tái thẩm là để minh oan.
- Quá trình công tác, ông ghi nhận gì về những trường hợp như ông Chấn?
- Những trường hợp như này từng xảy ra trước đây, nhiều vụ đã xử chung thân.
- Kịch bản tại cơ quan điều tra thì bị can, bị cáo khai nhận tội nhưng ra trước tòa họ lại phản cung, cho rằng bị ép cung diễn ra phổ biến trong các phiên tòa. Nhưng cuối cùng tòa vẫn xử theo hồ sơ vụ án có ở đó, ông nghĩ sao?
- Chứng cứ là một phần hết sức quan trọng nên phải căn cứ vào những chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra.
- Trường hợp ông Chấn, nếu không phải gia đình liệt sĩ thì đã bị xử tử hình. Rõ ràng người dân gặp phải những rủi ro rất lớn, ông bình luận gì về điều này?
- Tôi cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến oan sai trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử kể cả quá trình sơ thẩm, phúc thẩm đều hết sức chủ quan, phiến diện; chỉ tin vào chứng cứ thu thập chứ không tin vào lời khai của bị can, bị cáo chứng minh người ta ngoại phạm, vì vậy đã làm sai. Nếu đã dũng cảm nhận sai thì phải bồi thường, Viện kiểm sát đã hết sức dũng cảm.
Đăng nhận xét