Ông Wenger chính thức mời 'Running man' đến London
‘Running man’ bắt đầu làm quen với sự nổi tiếng
Mức lương 20 triệu đồng một tháng được giám đốc doanh nghiệp hứa hẹn ngay trong thư mời Vũ Xuân Tiến về làm việc. "Tinh thần dám nghĩ dám làm luôn là điều cần có ở mỗi nhân viên, em đã làm được và làm rất tốt khi tuổi còn khá trẻ, thật đáng khâm phục", giám đốc công ty viết trong thư.
Theo vị giám đốc này, họ muốn mời "Running Man" về làm việc vì "đã làm sống lại tình yêu thể thao", "khơi dậy sức mạnh trong bản thân mỗi cá nhân, trí tuệ trong các thành viên công ty". Chỉ sau vài giờ xuất hiện trên Facebook, bức thư mời làm việc đã nhận được hàng nghìn lượt người bấm nút "Like" và hàng trăm lượt bình luận sôi nổi của cộng đồng mạng.
Bức thư đính kèm bức ảnh nổi tiếng của Vũ Xuân Tiến cùng các cầu thủ Arsenal khi đội bóng đá Anh có chuyến du đấu đến Việt Nam trong tuần này. Ảnh được chụp sau khi Tiến chạy bộ 5km đuổi theo xe để thể hiện tình yêu cuồng nhiệt với đội bóng, và sau đó đã được mời lên giao lưu với các cầu thủ. Biệt danh Running Man do chính các cầu thủ Arsenal đặt cho Tiến, khi họ chứng kiến cậu chạy cả quãng đường dài theo xe.
Trao đổi với VnExpress.net cuối ngày 18/7, Vũ Xuân Tiến cho biết cũng vừa nhận được điện thoại từ công ty trên mời về làm việc. "Họ không nói rõ vị trí mời em vào làm, em chỉ biết đó có vẻ là một công việc về quảng cáo", Tiến cho biết.
Học ngành Dược, nên nghề quảng cáo rất xa lạ đối với Tiến. Do đó cậu không định nhận lời mời nhưng vẫn sẽ hỏi ý kiến bố mẹ. "Lâu nay bố mẹ vẫn hướng em học ngành Y sau khi hoàn thành xong trường Cao đẳng Dược vào năm nay", Tiến nói thêm. Tiến chưa bao giờ đi làm thêm trong suốt thời gian đi học, do đó cảm thấy khá bỡ ngỡ khi được nhận một lời mời đi làm như thế này.
Nhận xét về bức thư tuyển dụng trên Facebook, nhiều người cho rằng đây giống như một chiêu PR tranh thủ sự nổi tiếng của Running Man. Có thành viên Facebook còn nói đùa doanh nghiệp thấy Tiến chạy nhanh nên thuê về để "đi giao hàng".
Fong Phreedom, một thành viên khác trên Facebook cho biết mình cũng làm nghề Marketing, và nhận xét: "PR online là điều tất yếu phải làm để phát triển thương hiệu trong thời đại số hiện nay, tuy nhiên, làm sao cho khéo, và cho người ta thấy được giá trị thật của thông tin... Chứ ảo thế này thì lại là con dao hai lưỡi".
Đánh giá đây là có thể nói một chiêu PR khá nhanh nhạy, bắt được đúng thời cơ nhưng theo chuyên gia Maketing - Phan Lê Khôi, hành động này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vị chuyên gia này phân tích, theo thống kê, cứ mỗi ngày từ lúc mở mắt ra cho đến lúc đi ngủ, mỗi người Việt tiếp nhật 300 đến 500 quảng cáo từ nhiều hình thức khác nhau như TV, biển hiệu bên đường hay nghe người khác nói. "Làm thế nào để một trong số hàng trăm quảng cáo đó đọng lại trong tâm trí người tiêu dùng là một vấn đề, và doanh nghiệp này phần nào đã làm được", ông Khôi nhận xét.
Với kinh nghiệm lâu năm trong ngành truyền thông, ông Khôi cho biết thông thường khi chọn một nhân vật để quảng bá, doanh nghiệp luôn phải nghiên cứu kỹ về tính viral (lan tỏa) của nhân vật, xem sức nóng nhân vật có đủ lâu, liệu nhân vật trong tương lai gần có làm điều gì gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh.
"Trong khi đó, theo kinh nghiệm của tôi, hiện tượng Vũ Xuân Tiến có thể không nóng lâu", ông Khôi nhận xét. Ngoài ra, ông nói thêm, dù bức thư xin việc kia đang thu hút hàng trăm lượt bình luận, khiến hàng nghìn người chú ý, nhưng chưa chắc những người này là đối tượng khách hàng mà doanh nghiệp đang muốn nhắm tới.
theo Thanh Bình (vnexpress.net)
Đăng nhận xét