0
IN ẤN QC
Nếu như Tết 2012 khách hàng chỉ phải trả 3,2 triệu đồng/khứ hồi cho chuyến bay TP.HCM đi Hà Nội thì nay mức giá đã tăng gấp đôi.

Anh Nguyễn Văn Tâm làm truyền thông ở TP.HCM, quê Vĩnh Phúc, cho biết do sợ cận Tết khó mua vé nên năm nay ngay từ đầu tháng 10, anh đã lên mạng “săn” vé Tết. Khi xem mức giá các hãng hàng không đưa ra anh mới tá hỏa: Quá cao so với mọi năm. Chẳng hạn, chuyến TP.HCM - Hà Nội của VietJetAir (đi vào đầu tháng 2-2013) tính cả thuế, phí là gần 6 triệu đồng/khứ hồi. Tại Vietnam Airlines, vé bán vào cùng thời điểm chỉ còn hạng thương gia với giá hơn 11 triệu đồng/khứ hồi. Trong khi vào Tết 2012, vé chuyến TP.HCM - Hà Nội của anh Tâm chỉ có 3,2 triệu đồng/khứ hồi.

Mua sớm giá vẫn cao

Cùng cảnh ngộ với anh Tâm, chị Lê Thị Thanh Hà, quê Bắc Giang, kể: “Với giá vé như hiện nay, tính sơ sơ chuyện đi lại về Tết, gia đình tôi gồm vợ chồng và hai con nhỏ phải mất gần 20 triệu đồng. Làm cả năm cũng không thể dư dả nhiều đến mức này để chi cho khoản vé máy bay”.

Tính đến thời điểm này đã có ba hãng hàng không trong nước mở bán vé máy bay cho dịp Tết là VietJetAir, Air Mekong và Jetstar Pacific. Riêng Vietnam Airlines dự kiến đầu tháng 11 mới chính thức mở bán.

Ghi nhận từ website của các hãng hàng không cho thấy ở các chặng bay từ TP.HCM đi Đà Nẵng, Huế, Hà Nội, Hải Phòng… có tìm đến đỏ mắt cũng không thấy vé giá rẻ nào. Ngay cả hai hãng hàng không giá rẻ VietJetAir và Jetstar Pacific lúc này cũng chỉ còn hạng thường. Chẳng hạn, chặng TP.HCM - Hà Nội vào những ngày cao điểm Tết 2013 từ ngày 2 đến 9-2 (tương đương từ ngày 22 đến 29 âm lịch), giá vé một lượt (đã bao gồm thuế, phí) đã vào khoảng 3 triệu đồng. Còn vé ở Vietnam Airlines cùng thời điểm chỉ còn hạng thương gia, khoảng 5 triệu đồng cho một lượt (chưa tính thuế, phí). 

Khi nào người dân còn phải tranh mua thì giá vé máy bay Tết còn đắt. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh do Jetstar Pacific cung cấp.

Chị Nguyễn Thanh Kiều, nhân viên một đại lý bán vé tư nhân tại quận Tân Bình (TP.HCM), cho biết do Vietnam Airlines chưa bán vé Tết nên nhiều khách hàng chọn mua của các hãng giá rẻ trước để yên tâm hơn dù giá khá cao, có thể nói là ngang ngửa với mức giá của hàng không truyền thống.

Tính cao để “lấy đầu này đắp đầu kia”

Tuy nhiên, các hãng hàng không này đều cho rằng các mức giá vé trên chỉ giúp họ “dễ thở” hơn một chút.

Ông Trương Thành Vũ, Phó Giám đốc thương mại của Air Mekong, cho biết: “Kinh tế khó khăn, năm vừa rồi kinh doanh hàng không sụt giảm. Chín tháng đầu năm tại Air Mekong, tổng vận chuyển hàng không nội địa không tăng. Nay ngay cả dịp Tết, tôi cũng không đánh giá tình hình khả quan vì nhiều người lao động thất nghiệp, doanh nghiệp khó khăn không thưởng Tết thì nhu cầu đi lại Tết bằng máy bay có thể không lớn so với năm ngoái”.

Về vấn đề các hãng đều đưa ra giá vé Tết cao, không có sự cạnh tranh, ông Vũ nói các hãng bán mức giá cao ở chiều đi đông khách (từ TP.HCM trở ra) nhưng ở chiều ngược lại, cùng ngày, lại vắng khách. “Do chiều đi ngược lại không có khách nên các hãng không bù đủ chi phí. Hiện chúng tôi đang tính làm sao để có khách cho chiều này chứ không thì gay go lắm” - ông Vũ nói thêm.

Đại diện một hãng hàng không khác cũng nói thực tế năm qua kinh doanh hàng không không có lãi, thậm chí còn lỗ. Vì vậy, nhu cầu lớn trong dịp Tết là lúc các hãng đẩy giá lên cao để bù đắp chi phí. “Chiều bay từ TP.HCM đi ra vào những ngày cao điểm ít giá rẻ vì các hãng phải phân bổ cho chiều ngược lại bị ế để thu hút người dân” - vị này nói.

Thị trường cạnh tranh còn khiếm khuyết

Lý giải về việc các hãng hàng không cùng đưa ra mức giá cao và không cho thấy sự cạnh tranh về giá trong dịp Tết, TS Nguyễn Ngọc Sơn (ĐH Kinh tế Luật TP.HCM), một chuyên gia về cạnh tranh, cho rằng bản chất là do thị trường hàng không đang khiếm khuyết.

Theo TS Sơn, khi một thị trường chỉ tồn tại “mẹ” và “con lớn” (Vietnam Airlines và Jetstar Pacific), nay thêm hai "đứa bé” mới chào đời (VietJetAir và Air Mekong) thì chẳng có lý gì họ phải cạnh tranh và định giá khác nhau.

Một nguyên nhân khác là nhu cầu đi lại bằng máy bay của người Việt Nam rất lớn, các hãng hàng không chưa thể đáp ứng đủ. “Khi khách hàng tranh mua thì người bán cạnh tranh giá vé làm gì? Thị trường khiếm khuyết cạnh tranh không phải chỉ ở cách tổ chức mà còn do quan hệ cung cầu. Thậm chí, giờ ví như Vietnam Airlines có đưa ra giá 5 triệu đồng/vé thì người dân cũng phải đi thôi” - ông Sơn giải thích.

Từ đây, theo TS Sơn, cách tốt nhất để ngành hàng không đáp ứng được nhu cầu người dân là kêu gọi thêm đầu tư, có thể là các công ty nước ngoài vào khai thác. Ngoài ra, các hãng hàng không cũng phải nâng cấp đội ngũ máy bay. “Vấn đề không chỉ để giải quyết cho cái Tết năm nay mà là phải xây dựng và phát triển ngành hàng không về lâu dài, làm sao cân bằng được quyền lợi của mọi chủ thể. Nếu không giải quyết được thì giá vé chỉ có tăng và tăng mà thôi!” - TS Sơn khẳng định.

IN ẤN QCQuảng Cáo Cuối

Đăng nhận xét

 
Top