Không chỉ hiếm hoi phim có đề tài nông thôn được làm hấp dẫn, hầu hết phim truyền hình Việt đã và đang phát sóng thời gian gần đây cũng rơi vào tình trạng thiếu phim hay nghiêm trọng.
Những bộ phim hiếm hoi trong năm 2012 thu hút được khán giả: (ảnh trên) Trường nội trú - phim về giới học trò, phim tâm lý xã hội Bước qua bóng tối (ảnh dưới, trái) và Cầu vồng tình yêu - phim làm lại từ kịch bản Hàn Quốc - Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Từ đầu năm đến nay, có đến cả ngàn tập phim của hơn 30 bộ phim được lên sóng nhưng số phim xem được chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Trong số này có thể kể đến: Qua ngày dông bão, Ðàn trời, Cầu vồng tình yêu, Bước qua bóng tối, Trường nội trú... Thế nhưng, đó chỉ là phim xem được, là có chuyện để xem, còn việc tạo ra làn sóng khen chê, trở thành đề tài “tám” ngoài chợ, trong công sở như các phim trước đây: Tuyết nhiệt đới, Bỗng dưng muốn khóc, Chạy án, Cổng mặt trời, Gọi giấc mơ về... thì không.
Sỏi nhỏ ném xuống ao bèo
Gần đây, bộ phim Cầu vồng tình yêu nhờ sức hút của bản gốc Vinh quang gia tộc của Hàn Quốc nên gây được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Trên diễn đàn dienanh.net đã có gần 700 trang bình luận về bộ phim này. Phần lớn ý kiến đều cho rằng Cầu vồng tình yêu được Việt hóa tốt nên các chi tiết trong phim đều gần gũi với văn hóa người Việt, không còn thấy bóng dáng của phim gốc Hàn Quốc.
Thế nhưng Cầu vồng tình yêu chỉ là ngoại lệ. Phần lớn phim truyền hình Việt lên sóng từ đầu năm đến nay đều rơi vào trạng thái “chìm nghỉm”. Cứ như viên sỏi nhỏ ném xuống ao bèo, chẳng thể khuấy động mặt nước. Nếu như vài năm trước đây, người hâm mộ phim truyền hình bàn tán rôm rả trên các diễn đàn phim ảnh với vài trăm ý kiến bình luận khen chê cho mỗi chủ đề, thì bây giờ quá hiếm phim thu hút sự chú ý như vậy.
Cũng vì thiếu sức lôi cuốn khán giả mà lần đầu tiên khi phát sóng đến tập 22 trên tổng số 37 tập, nhà sản xuất của bộ phim Nơi tình yêu ở lại đã đề nghị ngưng phát sóng trên SCTV14 để đổi qua giờ phát sóng khác. Nguyên nhân sâu xa của đề nghị này là vì phim đã
Món cũ nhạt dần
Trong khi phim truyền hình đang “vật nhau đuối dần” thì màn ảnh nhỏ tiếp tục xuất hiện hàng loạt chương trình truyền hình thực tế có hình thức thể hiện khá hấp dẫn, thu hút nhiều ngôi sao giải trí và cách tổ chức “tinh quái, lắm trò”. Năm 2012 mở màn với hàng loạt chương trình như Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo, Cuộc đua kỳ thú, Giọng hát Việt... Những “món mới” hướng đến số đông công chúng với khẩu vị lạ, lại được phục vụ vào giờ đẹp nên càng gia tăng sức hút.
Trong khi đó, vệt giờ mới dành riêng cho phim Việt trên các kênh VTV1, HTV7, SCTV14 lại bị trùng lắp giờ phát sóng (20g) nên khán giả chỉ có thể chọn một trong số các kênh nói trên. Phim Việt đã hẩm hiu giờ lại còn bị chia người xem. Chẳng những vậy, đầu năm 2012 giờ phim chính luận trên HTV9 “bị” đôn sớm lên từ 18g thành 17g30. Ðây là giờ mà phần lớn mọi người còn đang hối hả trên đường trở về nhà nên cũng làm giảm số lượng người xem đáng kể.
Trước đây, các phim được phát trên kênh VTV1 giờ vàng hầu hết đều là phim chính luận. Hay dở chưa bàn đến nhưng việc phát thành vệt phim như thế đã tạo được một “phong cách” và khán giả có nhu cầu xem phim chính luận sẽ bật kênh này để xem. Nhưng đến nay không thấy sự tiếp nối này nữa. Vậy cũng là đáng tiếc!
Sức hấp dẫn của các phim truyền hình Việt đã không còn như trước. Bị truyền hình thực tế “ép” chỉ là một lý do, thậm chí đó còn là lý do phụ. Lý do chính nằm ở bản thân chất lượng phim: kịch bản dở, không gian nhàm chán, nhạc phim thiếu đầu tư...
Chỉ tại cái sự dở
Nhiều khán giả cho rằng họ không đủ sức để xem hết 30 tập phim bởi các câu chuyện nhạt nhẽo, thiếu sức sống và na ná nhau. Anh Nguyễn Gia, nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM, cho biết: “Chỉ cần xem một tập là tôi có thể biết được phim hấp dẫn hay không. Hiện nay nhiều bối cảnh trong phim Việt là nhà cửa xe hơi to vật vã, cảnh đẹp nhưng trông rất giả”.
Bác sĩ Ðoan Trang (Bệnh viện Từ Dũ) nói: “Có nhiều chi tiết liên quan đến nghề y, tôi có cảm giác hình như những người viết kịch bản và đạo diễn không hề biết gì về nghề y và sinh viên trường y. Nếu muốn phim hay thì các nhà làm phim đừng đem những gì mình không rõ lên phim, khán giả như tôi sẽ rất khó chịu. Cụ thể như phim Chân trời trắng có rất nhiều chi tiết sai về trang phục, quan niệm của người làm nghề y”. Bộ phim này từng bị rất nhiều khán giả làm nghề y phản đối vì đã để cho sinh viên ngành y gọi các xác chết (của người hiến xác) “chỉ là những khúc gỗ”.
Trong bối cảnh khán giả bị chia năm xẻ bảy, phim truyền hình lại cứ làng nhàng cũng đủ không đuổi kịp những chương trình khác hay, lắm chiêu trò, huống chi lại còn tuột dốc về chất lượng thì trách sao khán giả không quan tâm. Trăm sự suy cho cùng cũng tại vì cái sự dở mà ra.
Ông Trần Minh Tiến - giám đốc Hãng phim Lasta, phân tích: “Sự đổ bộ ồ ạt của truyền hình thực tế thật ra không ảnh hưởng gì nhiều bởi đây là hai lĩnh vực giải trí khác nhau và thị phần không thay thế cho nhau được. Vẫn có lượng khán giả cố định thích xem phim. Theo tôi, sự xuống dốc của phim truyền hình trong giai đoạn này là quy luật của sự tất yếu. Chúng ta phải trả giá cho quá trình sản xuất phim bằng mọi giá trong thời gian qua. Sự phát triển ồ ạt các hãng phim mới đã khiến phim truyền hình đang bị rối. Ngay như Hãng phim Lasta cũng phải tạm ngưng sản xuất một năm rưỡi qua vì không biết đi con đường như thế nào. Bây giờ có lẽ mọi việc đã dần sáng tỏ. Một số nhà sản xuất phim đang bị thua lỗ. Có nhà sản xuất vì nhiều lý do không tiếp tục làm phim nữa”.
Làm phim hay quá cực, lợi nhuận không cao bằng các chương trình truyền hình khác (đặc biệt là truyền hình thực tế mua bản quyền của nước ngoài, vốn hấp dẫn sẵn) đã làm nản lòng các nhà sản xuất. Chính vì vậy mà thực trạng phim truyền hình Việt hiện nay như chiếu rách lại còn nát thêm. Làm gì để vực dậy chất lượng, kéo người xem trung thành trở lại với mình là câu hỏi đặt ra với những người làm nghề lẫn giới quản lý.
Đăng nhận xét