Từ hôm nay (10/11), người đi ô tô và xe máy không chính chủ sẽ chính thức bị xử phạt nặng, mức cao nhất lên đến 10 triệu đồng.
Theo đó, những trường hợp không thực hiện việc chuyển quyền sở hữu phương tiện hoặc không làm thủ tục đăng ký mới sẽ bị xử phạt, mức phạt từ 6-10 triệu đồng/xe đối với ôtô, xe máy bị xử phạt 1 triệu đồng.
Quy định trên nằm trong Nghị định 71/2012 của Chính phủ (sửa đổi Nghị định 34/2010/NĐ-CP) về "Quy định tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ", chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 10/11/2012.
Người đi ô tô và xe máy không chính chủ sẽ chính thức bị xử phạt nặng, mức cao nhất lên đến 10 triệu đồng.
Theo quy định, người dân sau khi mua, bán phương tiện trong vòng 30 ngày phải đến cơ quan đăng ký, làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu. Trường hợp phương tiện đã mua bán qua nhiều đời thì chủ phương tiện cuối cùng, đang sử dụng xe phải có trách nhiệm đến các cơ quan đăng ký làm thủ tục đăng ký lại, chuyển quyền sở hữu.
Đối với xe lưu thông trên đường, nếu CSGT kiểm tra, phát hiện không làm thủ tục sang tên đổi chủ, sẽ ra quyết định xử phạt chủ xe, nhưng không tạm giữ phương tiện. Còn với người đi xe của bạn bè, người thân đều phải chứng minh được chủ phương tiện là ai, như cần có sổ hộ khẩu, giấy chứng minh hoặc giấy khai sinh.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý phương tiện không sang tên đổi chủ là cần thiết, nhằm quản lý phương tiện giao thông, tránh thất thu thuế cho nhà nước, góp phần giải quyết các vụ án hình sự, tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến nghi ngại về tính khả thi của việc thực hiện xử phạt này. Theo một số người dân, thủ tục sang tên đổi chủ xe hiện quá rườm rà, chi phí cao, mất nhiều thời gian đi lại. Nhiều khi mua xe cũ qua nhiều đời chủ, không biết chủ sở hữu trước đó để làm thủ tục.
Nghị định 71 sửa đổi bổ sung 19 điều của Nghị định 34. Trong đó có 6 nhóm vi phạm được điều chỉnh mức phạt, trong đó có lỗi vi phạm theo nghị định 71 tăng gấp 6 lần so với nghị định 34.
Theo đó, từ ngày 10/11, người lái ôtô sẽ bị xử phạt 10 - 15 triệu đồng nếu hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80 mg/100 ml máu hoặc 0,25 - 0,4 mg/lít khí thở. Trước đó, Nghị định 34 chỉ đưa ra mức phạt 2 - 6 triệu đồng đối với lỗi này.
Người điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc bị phạt 8 - 10 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 30 ngày.
Phạt tiền từ 25 triệu đồng đối với các trường hợp vi phạm không dừng xe hoặc chống đối người thi hành công vụ khi có hiệu lệnh, tăng số tiền phạt từ 4 lên 6 triệu đồng đối với người cổ vũ, kích động, đua xe trái phép.
Đăng nhận xét