Tiết trời miền Bắc bỗng nhiên bị xáo trộn bởi những cơn mưa rào vào cuối thu. Không khí hơi xe lạnh, ẩm ướt của chuyển giao mùa khiến con người ta cảm thấy hơi khó chịu.
Như thường lệ vào mỗi sáng Chủ nhật, tôi lại mở mail và đọc những bức thư chia sẻ của mọi người, những người biết đến cái site bé nhỏ của tôi và chuyên mục: "Góc Tư vấn". Sau những lá thư cảm ơn, những thủ thỉ về những câu chuyện tình yêu, những thắc mắc tuổi dậy thì ngây thơ và hóm hỉnh... tôi lặng người đi khi đọc bức thư của một bạn trai (xin được dấu thông tin) ở TP.NĐ với tiêu đề: "Em phải làm gì đây để cho bố em hết đồng tính?" Tôi xin trích đoạn lên đây để các bạn cùng đọc và chia sẻ.
Mâu thuẫn giữa cha mẹ, con cái luôn là người gánh chịu.
"Anh chị thân mến!
Em đang rất buồn và không biết mình phải làm thế nào nữa. Trước đây em thường nói mấy đứa bạn là rỗi hơi, là lắm chuyện, là hâm khi chúng viết thư cho các anh chị tư vấn trên các báo để cầu cứu những chuyện nhỏ nhặt, những chuyện riêng tư, hay thậm chí là những chuyện thầm kín. Em luôn cho rằng đó là những việc ủy mỵ, thừa thời gian. Nhưng đến giờ thì chính em lại là người đang rơi vào cái tình trạng đó. Tâm trạng em lúc này đang rất ngổn ngang, em thực sự không biết nên làm gì nữa, em muốn có ai đó có thể cho em một lời khuyên em nên làm gì cho đúng nhất với hoàn cảnh của em.
Em là con trai duy nhất của một gia đình cả bố và mẹ đều là công chức nhà nước. Ngay từ ngày còn nhỏ em đã biết được giữa bố và mẹ em có mâu thuẫn gì đó rất lớn, họ thường xuyên cãi vã nhau và thường thì bố là người im lặng trước, rồi cả 2 người họ lần lượt bỏ ra khỏi nhà cho đến khuya mới về. Ngày đó em còn quá nhỏ nên cũng chẳng biết bố mẹ cãi nhau vì chuyện gì cả, em chỉ nhớ có một lần mẹ chỉ thẳng vào mặt em và gắt lên với bố: "Không có nó thì tôi cũng đã ly dị anh từ lâu rồi!" Em đã rất sợ và khóc gào lên, dù Bác Hậu ra sức dỗ dành (Bác Hậu là chị con chú con bác với bố em, chân bác Hậu lại có tật từ nhỏ không làm được việc nặng, chồng và 2 con trai của bác bị mất tích vì đắm tàu khi khi đi đánh bắt cá ngoài biển. Không ai thân thích nên bố em đón bác về ở với gia đình em khi mẹ em sinh em). Em cứ thế lớn lên giữa sự thờ ơ của cả bố và mẹ, giữa những trận cãi vã thường xuyên của bố mẹ, trong căn nhà lúc vắng bố lúc vắng mẹ, lúc vắng cả 2 người, chỉ có bác Hậu là người luôn quan tâm chăm sóc em.
Năm đó em lên lớp 8, giữa bố và mẹ em xảy ra một trận cãi nhau rất lớn mẹ luôn mồm mắng bố là: thằng Pê-đê, thằng bệnh hoạn... còn bố thì mắng mẹ là kẻ ngoại tình, loại đàn bà dâm đãng... Rồi bố và mẹ em chia tay, em ở với bố và bác Hậu. Mẹ bỏ đi vào Nam làm ăn và từ đó em không biết tin gì về mẹ nữa, ông bà ngoại em cũng chẳng đoái hoài đến em. Dù đã học đến lớp 8 nhưng thực sự em cũng chẳng biết pê-đê là gì cả, em có hỏi bác Hậu nhưng bác không nói, bác chỉ dỗ dành em và lảng đi chuyện khác... Em ra ngoài, hàng xóm láng giềng gọi em là thằng con nhà Pê-đê, bố nó ái nam ái nữ đó. Đến trường, lũ bạn cũng gọi em là thằng pê-đê, chúng nó nói: mày là con pê-đê thì cũng là pê-đê. Em đã căm ghét bố vì bố mà em thường là tiêu điểm của những trò đùa quái gở của lũ bạn và tâm điểm bàn tán của bọn con gái mỗi khi giờ ra chơi...
Đừng để căng thẳng trong mâu thuẫn vợ chồng ảnh hưởng đến tâm lý trẻ
Lên cấp 3, em đỗ vào trường công nhưng vẫn quyết tâm đi học trường tư ở xa nhà lũ bạn không biết về em và hoàn cảnh của em. Lúc bấy giờ em mới dễ thở hơn. Em xin bố ở trọ và thỉnh thoảng lâu lắm mới về nhà dù rằng từ trường về nhà em cũng chỉ mất khoảng 30 phút đạp xe. Bác Hậu thường xuyên đến thăm em và khuyên em về thăm bố nhưng em không chẳng muốn về. Em ghét bố!
Thời gian này cũng chính là thời gian em tìm hiểu về pê-đê, về đồng tính, em mới hiểu cảm giác của mẹ em trước kia, em cảm thấy thật ghê rợn chính bố đẻ của mình. Hóa ra bố cưới mẹ muốn vừa lòng ông bà nội, là để che mắt thiên hạ chứ không phải bố yêu mẹ. Và em được sinh ra chẳng qua cũng là một cái hệ lụy của chuyện đó. Em vẫn còn luôn đau nhói lòng mỗi khi nhớ về cảnh mẹ chỉ thẳng vào mặt em mà nói: "Không có nó thì tôi cũng đã ly dị anh từ lâu rồi!" Thế mà cái ngày đó em luôn cho rằng vì mình mà bố mẹ mâu thuẫn, vì mình mà bố mẹ chia tay...
Mới cách đây hơn 1 tuần thôi, hôm đó giỗ bác trai và hai anh con trai bác Hậu, thương bác 1 mình nên em về thăm bác. Về đến gọi mãi nhưng không thấy bác ra mở cổng, nhìn vào trong thấy cửa nhà không khóa, em mới trèo qua tường vào nhà. Một cảnh tượng thật kinh tởm đập ngay vào mắt em khi em bước vào nhà bếp... bố em và một thanh niên, chắc chỉ hơn em 2 - 3 tuổi, đang không một mảnh vải trên người quằn quại trên bàn ăn... Thật là không thể nào nói lên được cảm giác của em lúc đó. Cái giảm giác ghê tởm muốn nôn mửa ngay lúc đó, dường như em không thể thở được nữa. Em chạy ra khỏi nhà và từ đó đến giờ em không về nhà nữa và cũng không về nhà trọ nữa vì sợ bố em đến tìm.
Bây giờ em ở nhờ chỗ trọ của một đứa bạn cùng lớp từ quê lên đây học. Em không còn tâm trạng nào đến trường nữa. Tiền cũng đã tiêu hết, ăn nhờ bạn mãi cũng rất khó nghĩ, nhà nó nghèo mà phải học xa nhà cũng chẳng có tiền. Nhưng nghĩ đến việc quay lại cái nhà đó thì em lại sợ, lại thấy ghê tởm. Em muốn xóa đi tất cả những hình ảnh kinh tởm đó ra khỏi đầu em. Em rất buồn và chẳng biết làm sao cả. Nghĩ lại em cũng đã từng có một gia đình, có bố, có mẹ, cuộc sống đầy đủ không phải lo nghĩ gì... tim em như đau thắt lại.
Em phải làm gì đây để mọi chuyện quay lại như xưa? Em phải làm gì đây để cho bố em hết đồng tính? ..."
Đọc xong bức thư mà lòng tôi như lặng đi, hoàn cảnh của cậu thật sự khó xử và đáng thương. Chỉ trong câu chuyện về hoàn cảnh của cậu bé thôi đã chứa biết bao điều mà chúng ta còn phải suy nghĩ:
- Còn quá nhiều người thiếu hiểu biết về Đồng tính, còn quá nhiều những sự định kiến về Đồng tính. Chính những sự định kiến này đã khiến cuộc sống của những người Đồng tính và người thân của họ rơi vào bế tắc và khủng hoảng.
- Còn quá nhiều điều cần bàn luận thêm về cách sống lành mạnh của những người Đồng tính. Một trong số đó là việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Chính vì xã hội định kiến và kỳ thị nên những người Đồng tính mới không dám sống thực với chính mình. Việc cấm người cùng giới kết hôn buộc những người đồng phải tìm những "tấm bình phong" cho mình bằng những cuộc hôn nhân "hợp pháp" nhưng đầy chua xót như trên. Nhưng thiết nghĩ, người cha trong câu chuyện này nghĩ gì khi quyết định lấy vợ làm tấm bình phong che chở cho mình? Để rồi đây tan nát một trái tim yêu đã thực lòng yêu ông ta. Và đáng thương nhất vẫn là con trẻ, chúng có tội gì đâu mà phải chịu những đắng cay này.
- Tình người trong xã hội ngày càng tha hóa khi chủ nghĩa cá nhân và thực dụng đang chiếm dụng con người. Cha mẹ bỏ rơi con cái chỉ vì lợi ích cá nhân của họ. Sự buông thả và thờ ơ của gia đình sẽ dễ khiến các em nhỏ đánh mất đi phương hướng của cuộc sống và dễ xa ngã.
Lời nhắn tới nhân vật trong câu chuyện trên: Hoàn cảnh của em đúng là rất đáng thương. Nhưng không phải vì thế mà em yếu lòng và làm những điều dại dột. Điều đầu tiên là em hãy quay về nhà, lúc này chắc chắn bố em và bác Hậu đang rất lo lắng cho em. Chuyện của bố và mẹ thực sự là chuyện của "nhưng người được cho là người lớn" và em không có lỗi gì cả. Bố em là người đồng tính cũng không phải là chuyện gì đó xấu xa cả em ạ! Đồng tính không phải là bệnh, đơn giản nó chỉ là một xu hướng về vấn đề tình dục mà thôi em ạ. Em hãy bình tĩnh lại và xem xét lại mọi chuyện, em cũng đã lớn rồi cũng nên tìm hiểu thêm về Đồng tính từ những nguồn tin uy tín (ics.org.vn) để có cái nhìn đúng đắn hơn về vấn đề đồng tính. Và qua đó em hãy hiểu và thông cảm hơn cho bố của em. Việc em bỏ nhà và bỏ học là việc làm hoàn toàn sai. Em còn trẻ, còn cả một tương lai phía trước, giờ em bỏ học mà trong người lại không có nghề nghiệp, tiền bạc trong tay... rồi em sẽ đi về đâu và sẽ sống như thế nào đây? Em phải suy nghĩ cứng rắn hơn nhé!
Cầu chúc cho những điều tốt lành nhất sẽ đến với em!
Đăng nhận xét