0
IN ẤN QC
Hà Nội: Đề xuất xây sáu đường trên cao

Tổng Cty Tư vấn Thiết kế GTVT-TEDI (Bộ GTVT) đề xuất xây dựng sáu tuyến đường trên cao trong giai đoạn 2011-2020, với tổng kinh phí ước tính gần 70.000 tỷ đồng.

Thành phố Hà Nội đã giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT) nghiên cứu đề xuất việc xây dựng hệ thống đường trên cao.
TEDI cho rằng, tại Hà Nội trong 5-10 năm tới, giao thông đường bộ vẫn là chủ yếu. Với năng lực và cung cách thực hiện các dự án đường bộ như hiện nay, việc mở rộng và xây mới đường là không dễ, một số chuyên gia nhận định.
Theo TEDI, việc xây dựng đường trên cao tại Hà Nội là cần thiết vì sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề khó khăn hiện tại cũng như tương lai với các ưu điểm sau: Tăng diện tích đường giao thông mà không chiếm dụng thêm mặt bằng; giải quyết được yêu cầu về giao thông đối ngoại; có thể giúp tách dòng xe hỗn hợp thành dòng xe thuần đi với cự li dài, cùng tốc độ, làm tăng năng lực thông hành, giảm bớt ùn tắc giao thông; đáp ứng sự phát triển nhanh của phương tiện giao thông, đặc biệt là ô tô.
Trên cơ sở đánh giá đó, phía tư vấn đề xuất xây dựng sáu tuyến đường trên cao, cụ thể là trục vành đai II: Bưởi - Ngã Tư Sở - Vĩnh Tuy; Trục vành đai III: Nam Thăng Long - Thanh Xuân - Pháp Vân; Trục QL32 - Hoàng Quốc Việt - Bưởi; Trục Phú Đô - Yên Hòa - Vành đai II; Trục Tôn Thất Tùng - Vành đai III - vành đai 3,5; Trục Pháp Vân - Minh Khai.
Theo dự kiến, hệ thống đường trên cao chạy trên dải phân cách giữa của các tuyến đường nói trên với chiều cao khoảng 5m. Mặt cắt đường trên cao là 19m chia hai chiều. Riêng mặt cắt đường trên cao đường vành đai III đoạn Pháp Vân - Mai Dịch lên đến 24m.
“Không chỉ thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông, việc có hệ thống đường trên cao sẽ tạo đà để Hà Nội thực hiện việc giãn dân ra khỏi đô thị lõi”, một chuyên gia về đô thị nói.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau khi tư vấn hoàn thành việc nghiên cứu ban đầu, Sở GTVT sẽ báo cáo thành phố Hà Nội xem xét quyết định. Một tuyến đường trên cao vành đai III đang được xây dựng. Tuyến đường trên cao vành đai II đoạn Ngã tư Vọng - cầu Vĩnh Tuy được Cty Cổ phần Vincom xin làm chủ đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).
Theo Sở GTVT, khi được giao thực hiện các dự án này, việc xác định chủ đầu tư, nguồn vốn thực hiện cũng như tiến độ triển khai sẽ tiếp tục được làm rõ.
Hạ tầng thiếu, dân số thừa
Theo nhiều chuyên gia, ba nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông ngày một trầm trọng tại Hà Nội là: Tỷ lệ đất dành cho giao thông quá thấp (8%, trong khi mức bình quân phải là 20 - 25% diện tích đất đô thị), thừa chỉ tiêu về dân số và mất cân đối về cơ cấu, phương tiện giao thông”. Khu đô thị lõi theo quy hoạch chỉ là 0,8 triệu dân nhưng thực tế đã tăng gấp rưỡi (1,2 triệu dân).
Theo quy hoạch, cơ cấu vận chuyển bằng vận tải công cộng đến năm 2020 phải đạt 35% nhưng nay, xe buýt mới đảm nhiệm được 14%. Nhiều chuyên gia cho rằng, với hạ tầng và tăng trưởng phương tiện cá nhân như hiện tại thì thời gian tới, xe buýt khó có thể giữ vững được thị phần như hiện nay.
Tính đến hết năm 2010, Hà Nội có trên 3,5 triệu xe máy và khoảng 300.000 ô tô (một nửa là xe con cá nhân).
Theo đánh giá của TEDI, mở rộng đường sẽ vấp công tác giải phóng mặt bằng (GPMB); xây dựng đường sắt đô thị cũng gặp khó khăn về GPMB, ngoài ra tiến độ chậm, kéo dài. Việc giảm dân số đô thị lõi là nhiệm vụ chẳng dễ dàng.
Theo Phùng Sưởng
Tiền Phong
IN ẤN QCQuảng Cáo Cuối

Đăng nhận xét

 
Top